Ngày 23/12, tại TP. Hưng Yên đã diễn ra Hội nghị tổng kết Cụm Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc năm 2022. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hưng Yên Phạm Văn Hiệu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Cụm trưởng Cụm Hiệp hội du lịch các tỉnh phía Bắc Nguyễn Mạnh Thản, lãnh đạo 21 Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc đã tham dự.
Theo báo cáo đánh giá công tác năm 2022, Cụm du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc đã phối hợp chặt chẽ, nỗ lực lãnh đạo, chỉ đạo các chi hội, các câu lạc bộ và hội viên cùng chung tay tháo gỡ, vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động bởi đại dịch COVID-19.
Nổi bật trong năm 2022, các hiệp hội thành viên quan tâm đến công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực cho hội viên, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch hàng năm, từ đó xây dựng các chương trình kế hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cụ thể theo từng giai đoạn. Bên cạnh đó, Cụm Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc luôn chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết, hợp tác trong Cụm và với các tỉnh, thành phố cả nước. Tăng cường công tác nghiên cứu, xây dựng sản phẩm du lịch, tổ chức chương trình famtrip, presstrip. Chú trọng công tác tham mưu xây dựng chính sách, phổ biến pháp luật, hỗ trợ hội viên. Đẩy mạnh hoạt động hợp tác truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin.
Trọng tâm phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp năm 2023 của Cụm Hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc sẽ chú trọng công tác tổ chức, cơ cấu bộ máy, phát triển hội viên tại các Hiệp hội; tăng cường liên kết giữa các Hiệp hội thành viên trong Cụm, đặc biệt là phối hợp trong lĩnh vực truyền thông, xúc tiến quảng bá, xúc tiến điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch, xây dựng sản phẩm liên kết vùng, liên tuyến, kết nối các điểm đến dịch vụ du lịch trong vùng đồng bằng sông Hồng và các vùng du lịch trọng điểm thành tour, tuyến du lịch để quảng bá, thu hút khách du lịch. Đẩy mạnh công tác kêu gọi các dự án đầu tư, xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh hợp tác với các hãng hàng không, tăng cường truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch, điểm đến, sản phẩm mới của các địa phương trong Cụm. Tăng cường ứng dụng, chuyển đổi số, công nghệ, đẩy mạnh hoạt động E-marketing để phát huy tối đa hiệu quả cho việc phục hồi và phát triển du lịch.
Tại hội nghị, các đại biểu đề cập đến những tồn tại, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, chia sẻ những kinh nghiệm vượt khó, quan tâm bảo vệ quyền lợi của hội viên cùng những kiến nghị đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp du lịch các địa phương. Nhiều ý kiến cũng đề xuất tăng tính pháp lý của Hiệp hội nên đổi tên Cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc thành Hiệp hội Du lịch các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch Hưng Yên. Nhiều ý kiến cho rằng, Hưng Yên có nhiều tiềm năng thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh, lễ hội, làng nghề, du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, Hưng Yên cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, xây dựng sản phẩm đặc trưng, độc đáo, tăng cường xúc tiến quảng bá để thu hút khách.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản đánh giá cao sự nỗ lực, vượt qua khó khăn do tác động bởi đại dịch COVID-19, các Hiệp hội đã có sự kết nối cùng các cơ quan quản lý nhà nước, kết nối cùng các Hiệp hội trong Cụm. Chủ tịch Nguyễn Mạnh Thản cho biết sẽ đề xuất với Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong việc thành lập Hiệp hội Du lịch các tỉnh phía Bắc; triển khai việc sửa đổi quy chế hoạt động của Cụm; thiết lập trang thông tin chung của Cụm để các Hiệp hội chia sẻ thông tin, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, giao lưu, phát huy sức mạnh tập thể, tăng cường hợp tác, đoàn kết góp phần thúc đẩy hoạt động của các Hiệp hội ngày càng phát triển.
Theo TCDL