Thông tin du lịch Bắc Giang

Bắc Giang: Bảo tồn văn hóa lễ hội

Thời gian: 18/06/2014 18/06/2014

Địa điểm:

Nhà tổ chức: Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch Bắc Giang, sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Giang

Trạng thái: [Đã kết thúc]

 

 

Mùa xuân là mùa lễ hội, có dự các lễ hội mới nhận thấy dường như lễ hội ở Bắc Giang đều gắn với sự kiện, nhân vật, huyền tích hoặc di tích cụ thể, phải không thưa ông?

Đúng vậy, ở Bắc Giang, lễ hội có những đặc điểm riêng biệt, thể hiện rõ những nét đặc trưng văn hóa vùng miền. Chẳng hạn dọc bờ sông Cầu, các di tích chủ yếu thờ Thánh Tam Giang nên lễ hội ở vùng này thường có hội bơi chải, vật cầu nước thể hiện được "phần hồn” của di tích. Hay như đền Từ Hả, xã Hồng Giang (Lục Ngạn) thờ đức thánh Vũ Thành (tức tướng quân Thân Cảnh Phúc, thời Lý), người có công lớn trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm ở thế kỷ XI, lễ hội nơi đây ngoài tục làm bánh dày còn có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc khác như: kéo co, đu tiên, võ cổ truyền.
 
Ngoài ra, ở vùng Lục Nam, lễ hội Tòng Lệnh, xã Trường Giang mang màu sắc nông nghiệp, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi. Lễ hội Yên Thế trong cả phần rước, phần lễ cho đến những hoạt động trong hội đều thể hiện rõ nét tinh thần thượng võ…

Việc bảo tồn di tích gắn với giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống được thực hiện như thế nào trong thời gian qua?

Những năm qua, ngành chức năng cùng các địa phương trong tỉnh đã có nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của những lễ hội. Chẳng hạn như chỉ đạo tổ chức lễ hội theo nếp sống văn minh, bài trừ tệ nạn đánh bạc cũng như hoạt động mê tín dị đoan trong các hội xuân; đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích. Từ năm 2005 đến nay có hơn 300 di tích được nâng cấp với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng từ các nguồn chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngân sách địa phương và xã hội hóa. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên việc bảo tồn dường như vẫn chưa thực sự đúng với định hướng.

Nhân nói đến bảo tồn văn hóa lễ hội, ông có nhận xét gì về những hạn chế trong tổ chức lễ hội hiện nay?

Hiện tượng sân khấu hóa ngày càng phổ biến khiến lễ hội bị trần tục hóa, xa dần với tín ngưỡng dân gian. Một số lễ hội diễn ra theo mô hình định sẵn làm cho tính chủ động, sáng tạo của người dân – chủ thể của lễ hội, bị suy giảm. Sự đồng điệu trong các lễ hội, ví dụ như: đâu cũng có hội vật, có hát quan họ hoặc các trò chơi dịch vụ khiến lễ hội mất nét khu biệt, đặc trưng.
 
Đặc biệt, các trò chơi dân gian truyền thống như đu tiên, tung còn, bịt mắt đập niêu… gắn với đặc điểm từng vùng miền cũng có dấu hiệu mai một. Ngoài ra, các hoạt động mang tính thương mại hóa, lợi dụng tín ngưỡng lễ hội để thu lợi bất chính, ép buộc, bắt chẹt người đi trẩy hội; hiện tượng tổ chức chơi cờ bạc trá hình tinh vi cũng chưa được giải quyết triệt để. Đặc biệt, việc đặt và quản lý "hòm công đức” chưa được quan tâm đúng mức. Những vấn đề đó thực sự đi ngược lại tính linh thiêng và văn hóa của lễ hội truyền thống.

Để những di tích được bảo tồn nguyên giá trị và góp phần nâng tầm lễ hội, theo ông cần phải làm những gì?

Vấn đề đặt ra hiện nay là tăng cường bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội gắn với đó là tổ chức lễ hội văn minh, lành mạnh. Trong đó, ngoài việc duy trì tổ chức, các cấp chính quyền cần tạo cho lễ hội một không gian trong sạch, thực sự là hoạt động tín ngưỡng dân gian của nhân dân. Đồng thời khôi phục những nét văn hóa đặc trưng, các trò chơi dân gian gắn liền với mỗi mảnh đất, con người.
 
Ngoài ra, chúng tôi đang đề nghị tỉnh và Sở VH, TT và DL sớm tiến hành việc tổng kiểm kê di tích, lễ hội trên địa bàn toàn tỉnh, từ đó có sự nhìn nhận đánh giá chính xác về từng lễ hội, di tích. Trên cơ sở đó phân cấp lễ hội một cách rõ ràng, theo nhóm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền trong việc quản lý, chỉ đạo và tổ chức.