Tiếp tục xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2016 - 2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có Nghị quyết về phát triển du lịch với mục tiêu lớn là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế. Ngay sau khi có Nghị quyết, trên cơ sở thực tiễn ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương đã nhanh chóng cụ thể hóa nhằm đưa du lịch có thêm bước tiến mới.
Các cấp vào cuộc
Mặc dù du lịch Bắc Giang đã tạo được những dấu ấn đậm nét trong mấy năm gần đây nhưng hiện còn không ít khó khăn và vẫn là tỉnh được xem là "vùng lõm" du lịch. Với quyết tâm cao và sự vào cuộc mạnh mẽ của tỉnh bằng các giải pháp cụ thể, du lịch Bắc Giang đang hướng tới con số 1 triệu lượt khách vào năm 2020 và phấn đấu ghi tên trong danh sách vùng trọng điểm du lịch quốc gia. Hiện nay Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh và đa số các địa phương trong tỉnh đều đã xác định tiềm năng, thế mạnh và định hướng riêng trong phát triển du lịch trong 5 năm tới.
Tân Yên tuy tiềm năng không nổi bật so với địa phương khác nhưng đã có được định hướng rõ nét về du lịch bằng sự vào cuộc nhanh chóng và một số ý tưởng, sáng kiến mới. Chủ tịch UBND huyện Tân Yên, Dương Ngô Mạnh cho hay: Huyện đã thành lập tổ hướng dẫn viên và hoàn thiện quy hoạch khu du lịch tâm linh, sinh thái Núi Dành với 105 ha và đang mời gọi đầu tư vào đây, đồng thời sẽ tập trung nguồn lực biến Núi Dành trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Việc lập đề án khai thác du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng tại đập Đá Ong và khu du lịch văn hóa tâm linh núi Đót cũng sẽ được triển khai sớm. Cùng đó là huyện tổ chức mời gọi nhà đầu tư vào khảo sát, đầu tư vào các hoạt động phục vụ du lịch như: Cơ sở hạ tầng, cảnh quan, cơ sở lưu trú khách sạn, nhà nghỉ, trung tâm thương mại, dịch vụ vui chơi giải trí... Phấn đấu đến năm 2020, du lịch Tân Yên bước đầu hình thành tính chuyên nghiệp, thu hút hơn 20 nghìn lượt du khách mỗi năm. Song song với đó huyện xây dựng Đề án khôi phục lễ hội Bảo Lộc Sơn ( xã Việt Lập), mở rộng khu di tích Công an 12 (nơi phát tích 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân và thành lập các tổ du lịch cộng đồng tại điểm du lịch, di tích.
Huyện Tân Yên đang kêu gọi thu hút đầu tư vào Khu du lịch Núi Dành Còn huyện Việt Yên, với lợi thế của mình đã xác định là: phấn đấu xây dựng thành công sản phẩn du lịch văn hóa tâm linh kết hợp làng nghề truyền thống, xa hơn là du lịch nông nghiệp sạch, công nghệ cao. Trong khi đó Yên Dũng lại xác định sản phẩm chính là du lịch văn hóa - tâm linh; sinh thái - nghỉ dưỡng; thể thao - giải trí…
Đầu tư có trọng điểm
Nếu như nhiệm kỳ qua việc đầu tư du lịch của tỉnh còn dàn trải thì nhiệm kỳ này Bắc Giang sẽ tập trung đầu tư phát triển theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả và gắn với quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu, phát triển du lịch xanh, bền vững trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 44 về phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020, với 3 nhiệm vụ và 6 nhóm giải pháp. Trong đó một trong những mục tiêu lớn là đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; Cơ bản hình thành hạ tầng thiết yếu, đủ khả năng tổ chức các sự kiện về văn hóa, du lịch, thể thao quy mô cấp quốc gia... Hiện Sở NHTTDL đang tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết trong đó xác định sẽ không đầu tư dàn trải mà tập trung vào những điểm nhấn. Những nội dung trọng tâm là: Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư có để xây dựng thành công 3 sản phẩm du lịch thế mạnh là: Văn hóa - tâm linh; lịch sử - văn hóa; sinh thái - nghỉ dưỡng. Cùng đó khai thác, phát huy tiềm năng du lịch làng nghề, khám phá mạo hiểm. Liên kết đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu, xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư và mở rộng hợp tác, hội nhập quốc tế về du lịch, hướng tới hình thành khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp. Phấn đấu năm 2020, các điểm du lịch của tỉnh sẽ có sản phẩm lưu niệm riêng. Cùng đó, xây dựng thương hiệu du lịch Tây Yên Tử là điểm nhấn, tiêu biểu cho loại hình văn hóa - tâm linh Bắc Giang với dự định hai năm nữa sẽ mở lễ hội Tây Yên Tử... UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm cho từng ngành, địa phương để thực hiện các mục tiêu, giải pháp đề ra. Đồng thời có chính sách khuyến khích, ưu đãi mặt bằng, tín dụng, thuế đối với đầu tư du lịch, quan tâm nâng tính chuyên nghiệp đội ngũ lễ tân, hướng dẫn viên và tăng cường liên kết, mở rộng hợp tác về du lịch.
Lãnh đạo tỉnh và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiểm tra Đồ án Quy hoạch Khu du lịch sinh thái tâm linh Tây Yên Tử
Cũng theo ông Nguyễn Phúc Thương, trên cơ sở Nghị quyết số 44 và dựa trên những tiềm năng, thế mạnh riêng, hầu hết các địa phương đã bám sát và lựa chọn một số việc làm cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm thông qua đề án, dự án. Trong đó, huyện Yên Thế gắn kết du lịch với di tích khởi nghĩa Yên Thế. Lục Ngạn tập trung đầu tư cho Khuôn Thần gắn với vùng cây ăn quả. Huyện Yên Dũng tiếp tục đầu tư phát huy giá trị di tích chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng. Còn Lục Nam chú trọng đầu tư cho Suối Mỡ. Sơn Động gắn với Khe Rỗ, Đồng Cao...
Với những bước đi cụ thể và sự quan tâm, đồng lòng của các cấp, ngành trong tỉnh chắc chắn Nghị quyết về phát triển du lịch sẽ được thực hiện thắng lợi.
Nguyễn Hưởng