Thông tin du lịch Bắc Giang

Những “điểm nhấn” của du lịch Bắc Giang

Thời điểm này, du lịch Bắc Giang đã hình thành những điểm nhấn rõ nét từ những công trình văn hóa, dịch vụ quan trọng hướng tới mục tiêu đón 1 triệu du khách vào năm 2020.

Những “điểm nhấn”, du lịch, Bắc Giang

Lễ đặt đá xây dựng Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử (Sơn Động).

Vóc dáng mới

Những ngày cuối năm 2014 tại đại công trường Khu văn hóa tâm linh Tây Yên Tử, thôn Đồng Thông, xã Tuấn Mậu (Sơn Động) không khí lao động diễn ra rất sôi động. Những chiếc máy ủi, máy xúc cộng thêm một tổ thợ do Công ty Than Mông Dương (Quảng Ninh) công đức làm việc miệt mài ngày đêm. Chỉ về phía chân núi, Đại đức Thích Khai Tính, phụ trách công trường giới thiệu, nơi đó xây dựng chùa Trình nằm trong tổng thể nhiều hạng mục sẽ được khởi công trong nay mai. 

Để bảo đảm tiến độ, tạo mặt bằng khởi công xây dựng chùa Trình, những tháng qua các tổ máy được huy động, hàng chục người thay ca nhau 24/24 giờ với khối lượng công việc tương đối lớn. Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam đã quán triệt việc thi công phải thận trọng, bảo đảm giữ gìn cảnh quan môi trường, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng nguy hại đến Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. 

Theo thiết kế, công trình được đầu tư ba giai đoạn, gồm nhiều hạng mục, với tổng diện tích 13,8 ha, chia làm 4 cụm chùa gồm: Chùa Trình, chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng và các công trình dịch vụ, hạ tầng giao thông, cáp treo... Tương lai không xa, đây sẽ là điểm đến tâm linh quy mô lớn tạo sức hút đối với du khách, qua đó đánh thức tiềm năng khu tâm linh mang tầm quốc gia tại đây. Đại đức cho biết thêm: Với việc tạo điều kiện của chính quyền và nhân dân trong tỉnh, nhiều doanh nghiệp đã công đức nhân lực, vật lực cho công trình nên mọi việc diễn ra khá thuận lợi. 

Nằm nổi bật tại trung tâm TP Bắc Giang, tổ hợp Khách sạn Mường Thanh với mức đầu tư 300 tỷ đồng mới đi vào hoạt động tạo cú hích lớn thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh. Trong bối cảnh các cơ sở lưu trú trên địa bàn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ tới du lịch, Khách sạn Mường Thanh quy mô 4 sao với 195 phòng nghỉ cao cấp, hệ thống nhà hàng, phòng họp có sức chứa lên đến 1 nghìn khách và các dịch vụ cao cấp như bể bơi, karaoke… góp phần tăng sức hấp dẫn cho du khách đến Bắc Giang. 

Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Khách sạn cho biết: Hiện trung bình mỗi ngày khách sạn sử dụng khoảng 35% công suất, đáp ứng đáng kể nhu cầu lưu trú cao cấp cho người dân và du khách, trong đó có nhiều đoàn chính khách, các doanh nhân trong và ngoài nước. 

Trong năm tỉnh đã hoàn thành dự án nâng cấp tỉnh lộ 295 đoạn Bảo Lộc đến thị trấn Vôi (Lạng Giang)  mở rộng nút giao với đường sắt tại thị trấn Vôi, tạo thuận lợi cho du khách tham quan cây dã hương nghìn tuổi; việc thông xe cầu Đông Xuyên (Hiệp Hòa) phục vụ du lịch tham quan An toàn khu II; tỉnh lộ 398 đoạn từ Đồng Việt đến thị trấn Neo (Yên Dũng) được nâng cấp đã kết nối du khách đến chùa Vĩnh Nghiêm và sang Côn Sơn, Kiếp Bạc (Hải Dương)... 

Mở ra nhiều cơ hội

Bên cạnh sự gia tăng số lượng khách và doanh thu, các cơ sở lưu trú, nhà hàng đã không ngừng đa dạng hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. 
Những “điểm nhấn”, du lịch, Bắc Giang

Cao nguyên Đồng Cao, Sơn Động.  Ảnh: Đặng Văn Phương

Ông Nguyễn Phúc Thương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Ngoài tiềm năng thiên tạo, cơ sở hạ tầng, dịch vụ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy du lịch phát triển, nhất là trong bối cảnh du lịch tỉnh nhà còn non trẻ, việc thu hút các dự án đầu tư hạ tầng, dịch vụ càng có ý nghĩa to lớn. 

Năm 2014, du lịch Bắc Giang đã tạo được dấu ấn lớn với nhiều công trình dần hoàn thiện đi vào hoạt động. Trong đó điểm nổi bật là thu hút các dự án đầu tư bằng nguồn xã hội hóa như: Khách sạn Mường Thanh, Trung tâm Thương mại BigC Bắc Giang, dự án tổ hợp sân golf Yên Dũng đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư; Siêu thị Co.opMart dự kiến đưa vào sử dụng đầu năm 2015... 

Năm 2014, tỉnh Bắc Giang đã thu hút 320 nghìn lượt khách nội địa, 6,3 nghìn lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt gần 200 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước.

Hiện một số công trình văn hóa, hạ tầng như đường 293, Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng cũng bước vào giai đoạn xây dựng cao độ. Điều đó càng chứng tỏ công tác xúc tiến đầu tư vào du lịch đang tiến triển tốt và nhiều thuận lợi. Từ đây sẽ mở ra những triển vọng và cơ hội mới nhằm thu hút các nhà đầu tư cho du lịch, đồng thời là cơ hội để Bắc Giang vươn lên khẳng định vị trí xứng tầm trong tương lai gần.

Để ngành "công nghiệp không khói" phát triển xứng tầm, thời gian tới ngành VHTT&DL tiếp tục đẩy mạnh liên kết, hợp tác kêu gọi đầu tư hạ tầng và các khu vui chơi, dịch vụ, mở rộng kết nối tour, tuyến với các tỉnh nhằm xây dựng sản phẩm du lịch mang tính liên vùng với Quảng Ninh, Hải Dương, Lạng Sơn, Thái Nguyên... 

Cùng đó, tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tạo thương hiệu, gắn kết các hình thức du lịch văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, tâm linh, sinh thái và mua sắm... Với tiềm năng phong phú, những bước đi được tính toán khoa học và sự đầu tư trọng điểm, du lịch Bắc Giang có điểm tựa vững chắc để hoàn thành mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020.

Theo Báo Bắc Giang

Liên hệ quảng cáo

470 x 88

Liên hệ quảng cáo

360 x 600