Thông tin du lịch Bắc Giang

Khai mạc trưng bày chuyên đề “ Dấu thiêng Phật giáo Tây Yên Tử- Di vật từ lòng đất ”

Nằm trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch tỉnh Bắc Giang 2023, sáng ngày 01/02/ 2023 Sở VHTTDL Bắc Giang phối hợp với Công ty Cổ phần dịch vụ Tây Yên Tử tổ chức Khai mạc Trưng bày chuyên đề "Dấu thiêng Phật giáo Tây Yên Tử - Di vật ngàn năm từ lòng đất" .
Đến dự bổi Khai mạc trưng bày có đại diện một số sở, ban ngành của tỉnh và đông đảo du khách và nhân dân địa phương.
Gian trưng bày chuyên đề: “Dấu thiêng Phật giáo Tây Yên Tử - Di vật ngàn năm từ lòng đất", giới thiệu gần 400 hiện vật và 60 hình ảnh lựa chọn từ 8 điểm khai quật khảo cổ được thực hiện trong thời gian qua, bao gồm: Nhóm hiện vật là vật liệu xây dựng - trang trí kiến trúc; Nhóm hiện vật là đồ dùng, vật dụng bằng chất liệu sành, gốm-sứ…có liên quan đến các dấu tích chùa - tháp từ thời Lý Trần -Thế kỷ 13-14 và thời Lê, Nguyễn Thế kỷ XVII - XIX trên địa bàn 5 huyện: Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Việt Yên, Yên Thế (gồm các điểm: chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng; chùa Mã Yên, xã Bắc Lũng, chùa Bình Long (hay còn gọi là chùa Bát Nhã), xã Huyền Sơn, chùa Hồ Bấc, xã Nghĩa Phương, chùa Cao, xã Khám Lạng, chùa Đám Trì, xã Lục Sơn, huyện Lục Nam; chùa Nghĩa Trung, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên; địa điểm Đồi Bia, xã An Thượng, huyện Thê Thế). Từ kết quả khai quật khảo cổ cũng như các hiện vật mới được phát hiện tại các di tích đã minh chứng cho sự tồn tại của hệ thống di tích có sự liên kết, kết nối với nhau. Qua đó cho thấy, hệ thống chùa tháp thời Trần ở tỉnh Bắc Giang không chỉ tập trung tại sườn Tây Yên Tử ở huyện Lục Nam, Lục Ngạn mà còn trải dài sang vùng Việt Yên và Yên Thế. 
Ngoài không gian trưng bày hiện vật khai quật khảo cổ, tại cuộc trưng bày còn giới thiệu chi tiết đến khách tham quan những điểm chùa, di tích và hình ảnh về quá trình khai quật khảo cổ tại các điểm di tích, dấu tích các công trình tín ngưỡng, tôn giáo cổ gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, chứng minh quy mô, sự hưng thịnh của Phật giáo từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIV tại vùng Tây Yên Tử. 
 Song hành cùng hệ thống di tích, bên sườn Tây Yên Tử còn được biết đến với các danh lam thắng cảnh độc đáo, phong cảnh thiên nhiên hùng vỹ, tươi đẹp cùng khí hậu ôn hòa, hệ động thực vật phong phú. Những lễ hội dân gian độc đáo, những phong tục đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số đã hội tụ đầy đủ những đặc điểm, tiềm năng cho việc khai thác các giá trị di tích lịch sử, văn hóa, đặc điểm sinh thái tự nhiên vào hoạt động du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng, để Tây Yên Tử trở thành điểm đến hấp dẫn cho các du khách. Thông qua cuộc trưng bày “Dấu thiêng Phật giáo Tây Yên Tử - Di vật ngàn năm từ lòng đất" nhằm tăng cường tuyên truyền, giới thiệu đến các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về giá trị các di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của tỉnh Bắc Giang. Đồng thời, quảng bá tiềm năng về du lịch, tiếp tục xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch "Về miền đất thiêng Tây Yên Tử"; từng bước thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển kinh tế; khẳng định du lịch Bắc Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, văn minh, thân thiện và mến khách./.
Một số hình ảnh lễ Khai mạc:

 
                                               Tin Thanh Huyền, ảnh Thuỳ Nhung

Liên hệ quảng cáo

470 x 88

Liên hệ quảng cáo

360 x 600