Thông tin du lịch Bắc Giang

Tìm giải pháp hạn chế tác động của dịch Corona tới du lịch Việt Nam

Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (nCoV) đã không chỉ làm thiệt hại to lớn cho nhiều nền kinh tế, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng mà còn trực tiếp làm suy giảm ngành Du lịch.

Chiều 5/2, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức Hội nghị bàn về “Giải pháp hạn chế tác động của dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona đối với Du lịch Việt Nam”.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Hanoitourist cho biết: Du lịch vốn là một ngành rất nhạy cảm với tình trạng thiên tai, tự nhiên, chiến tranh, dịch bệnh... trên thế giới. Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (nCoV) đã không chỉ làm thiệt hại to lớn cho nhiều nền kinh tế, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng mà còn trực tiếp làm suy giảm ngành Du lịch.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tại Việt Nam, du lịch ở vị thế tăng trưởng cao kỷ lục trong tháng 12/2019, đầu tháng 1/2020 thì ngay lập tức rơi vào khủng hoảng mà nguyên nhân trực tiếp là dịch bệnh nCoV. Tình trạng khách hủy tour đã đặt, hủy đặt chỗ, hủy dịch vụ, không lên kế hoạch đi du lịch... là phổ biến hiện nay. Ước tính thiệt hại đối với ngành du lịch lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, mối nguy hiểm do dịch nCoV gây ra đã buộc nhiều quốc gia hành động quyết liệt, nhiều đường bay của các hãng hàng không không thể tiếp tục duy trì. Do vậy, nhiều khách du lịch hiện đang còn mắc kẹt tại một số điểm đến, ví dụ như Khánh Hòa, Đà Nẵng... Các doanh nghiệp du lịch hiện đang phải gồng mình vừa phòng chống dịch, vừa phục vụ, giải quyết các tình huống phát sinh. Nhiều khu, điểm du lịch hầu như không có khách do bị ảnh hưởng của dịch nCoV. Trong khi đó, theo dự báo, dịch bệnh có thể sẽ kéo dài, tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch. “Có thể nói nhiều khu, điểm du lịch đã trở thành ‘sa mạc.’ So sánh với những gì đã xảy ra với ngành du lịch khi có dịch SARS cách đây 17 năm thì ảnh hưởng của dịch nCoV đã tác động mạnh mẽ hơn. Dịch bệnh theo dự báo có thể sẽ kéo dài và khó có thể khắc phục trong vòng vài tháng. Do vậy, có thể xem đây là một cuộc khủng hoảng tác động tiêu cực tới nhiều doanh nghiệp du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch” - ông Phùng Quang Thắng chia sẻ.

Tại Hội nghị, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cùng với các doanh nghiệp du lịch ở nhiều địa phương cùng nhau đưa ra những nhiệm vụ và biện pháp cần triển khai trong việc thực hiện hạn chế tác động của dịch bệnh đến du lịch Việt Nam. Theo đó, mỗi người tham gia vào  hoạt động du lịch cần nắm rõ mức độ nguy hiểm của chủng vi rút mới Corona, nắm rõ cách phòng chống một cách chi tiết như hướng dẫn của ngành Y tế; đồng thời thực hiện hướng dẫn đầy đủ cho khách du lịch thực hiện.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần theo dõi thông tin của các cơ quan có thẩm quyền về dịch bệnh để điều chỉnh hoạt động của doanh nghiệp cho phù hợp. Có biện pháp quản lý chặt chẽ khách du lịch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách du lịch và cán bộ công nhân viên của doanh nghiệp, nhân dân ở điểm đến, quan tâm tới công tác bảo hiểm du lịch… Bên cạnh công tác phòng chống dịch, các doanh nghiệp cũng cần tham khảo những kinh nghiệm về “xử lý khủng hoảng” đã xảy ra trước đây nhằm hạn chế tối thiểu tác động của dịch nCoV tới du lịch Việt Nam.

Trong khuôn khổ Hội nghị, Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đưa ra những giải pháp để các doanh nghiệp và các hiệp hội du lịch thảo luận nhằm tháo gỡ những khó khăn như thúc đẩy du lịch nội địa, chú trọng đến việc đẩy mạnh khai thác các thị trường du lịch không nằm trong vùng dịch… Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cần lập kế hoạch và chuẩn bị triển khai một chiến dịch nhằm phục hồi du lịch quốc tế, đồng thời có kế hoạch giữ gìn lực lượng nhân sự của doanh nghiệp trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch bệnh thông qua các hoạt động như đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn; chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật; đổi mới công tác quản lý và kinh doanh của doanh nghiệp trên cơ sở áp dụng công nghệ 4.0...

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, trước mắt, Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch địa phương kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch để đẩy mạnh thu hút khách vào Việt Nam. Phát huy các mối quan hệ của Hiệp hội Du lịch Việt Nam với các nước là thị trường của du lịch Việt Nam để hỗ trợ, thúc đẩy việc trao đổi khách du lịch. Hiệp hội phối hợp giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp du lịch tổ chức các hội thảo chuyên đề, các khóa đào tạo và bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ chủ chốt của doanh nghiệp và Hiệp hội các địa phương về công nghệ 4.0 trong du lịch, xu hướng phát triển của du lịch Việt Nam và kinh nghiệm xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng.

Nguồn: dangcongsan.vn

Liên hệ quảng cáo

470 x 88

Liên hệ quảng cáo

360 x 600